Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở các vị trí khác nhau của cột sống (cột sống cổ, lưng, thắt lưng, cùng cụt…), nhưng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một bệnh hay gặp nhất, lý do là vị trí này chịu nhiều tác động của lực khác nhau trong cuộc sống, trong lao động.

Những nguyên nhân

Đĩa đệm được cấu tạo bởi ba thành phần chính là nhân nhầy, vòng sợi và mỏm sụn. Đĩa đệm có khả năng đàn hồi và biến dạng khi bị nén và đĩa đệm cũng có vai trò làm giảm chấn động tới các thân đốt sống. Chức năng của đĩa đệm cột sống thắt lưng là phải thích nghi hoạt động cơ học lớn, chịu áp lực cao thường xuyên, trong khi đĩa đệm lại là mô được nuôi dưỡng kém do được cấp máu chủ yếu  bằng thẩm thấu. Chính vì vậy, các đĩa đệm cột sống thắt lưng sớm bị loạn dưỡng và thoái hóa tổ chức. Tuổi càng cao, tổ chức đĩa đệm càng bị thoái hóa.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng xẩy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới, đa số là do nghề nghiệp (mang vác nặng, sai tư thế, lệch tư thế…). Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy đĩa đệm thoát khỏi vị trí bình thường bởi bị đứt hoặc rách vòng sợi.  Vị trí thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường ở L4 – L5 và S1 do hai đĩa đệm này là bản lề vận động chủ yếu của cột sống. Bên cạnh đó phải kể đến yếu tố chấn thương ở những người bệnh đã bị thoái hóa cột sống thắt lưng, thóa hóa đĩa đệm. Đây là nguyên nhân quan trọng hàng đầu của thoát vị đĩa đệm cốt sống thắt lưng do bị lão hóa bởi tuổi tác. Như vậy, có thể thấy sự thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng kết hợp với các nguyên nhân cơ học (tác động cơ học do mang vác nặng, chấn thương, sai tư thế, béo phì…) gây nên thoát vị đĩa đệm.

1379 Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Triệu chứng

Đau thắt lưng cấp tính xảy ra khi bị chấn thương hoặc do gắng sức mang vác, bưng bê một vật nặng sai tư thế (bưng bê chậu hoa, cây cảnh, xô nước…). Người bệnh đau không thể cử động được, thậm chí đại, tiểu tiện rất khó khăn trong một thời gian, phải dùng thuốc giảm đau, giảm co cơ mới cử động được.

Đau mạn tính, sau đợt cấp tính qua đi, về sau mỗi khi có những gắng sức tương tự  đau lại tái phát. Người bệnh khó thực hiện các động tác cột sống như: cúi, ngửa, nghiêng, xoay người. Khi đã có sự chèn ép thần kinh, có các triệu chứng đau lan xuống chi dưới làm cho vận động chi dưới khó khăn, đồng thời đau tăng khi đứng, đi, hắt hơi, rặn và nếu được nằm nghỉ ngơi sẽ đỡ đau.

Để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, cần chụp bao rễ thần kinh và chụp cắt lớp vi tính (CT) cột sống thắt lưng, tốt nhất là chụp cộng hưởng từ (MRI).

Biến chứng nếu không được điều trị đúng, sớm?

Gặp nhiều nhất là hiện tượng chèn ép dây thần kinh tọa và rễ thần kinh biểu hiện đau nhức, buốt ra vùng mông, lan dọc theo đùi xuống cẳng chân, mu bàn chân và ngón chân (đặc biệt là đau rát mu bàn chân phía bên có dây thần kinh tọa bị chèn ép). Hậu quả của biến chứng này là gây teo cơ làm hạn chế vận động và đại tiểu tiện khó khăn (do rối loạn cơ tròn), thậm chí phải thụt tháo và thông tiểu. Nặng nề hơn của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gây liệt, tàn phế làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

1380 Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Biến chứng: đau nhức, buốt ra vùng mông, lan dọc theo đùi xuống cẳng chân, mu bàn chân và ngón chân

Nguyên tắc điều trị là gì?

Khi bị đau thắt lưng cấp, nên đi khám bệnh. Nếu bị thoát vị đĩa đệm, chủ yếu là điều trị nội khoa (sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, chống co thắt cơ vân…). Tất nhiên, dùng thuốc gì là do bác sĩ khám bệnh chỉ định, người nhà hoặc người bệnh không tự mua thuốc để tự điều trị, bởi vì, hầu hết các loại thuốc này đều có tác dụng không mong muốn bất lợi cho một số NCT có bệnh hen suyễn, dạ dày, hoặc tăng huyết áp… Ngoài ra có thể áp dụng phương pháp vật lý trị liệu (xoa bóp, bấm huyệt, dùng sóng radio cao tần, laser… ). Nếu bệnh nặng điều trị nội khoa không có kết quả, có thể điều trị ngoại khoa, còn tùy theo sức khỏe của NCT (có chịu đựng được phẫu thuật hay không).

Theo Suckhoedoisong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *